Hiểu rõ cống hiến là gì để thành công trong tương lai

Nếu là một phần trong một cơ quan hay tập thể nào đó, ta thường nghe mọi người nhắc nhiều tới hai từ “cống hiến”. Cống hiến là việc như thế nào chắc ai cũng biết nhưng bạn có chắc mình hiểu rõ cống hiến là gì và bản chất của cống hiến ra sao chưa?

  1. Cống hiến là gì?

“Cống hiến” giải thích một cách đơn giản thì là sự tự nguyện, tự giác đem sức lực, tài năng và trí tuệ của bản thân để xây dựng và đóng góp cho lợi ích của tập thể chung. Cống hiến không chỉ nằm đơn giản ở những hành động, những quyết định thông thường mà nó là cả một lối sống, một quan điểm về tư duy và mục tiêu mà mỗi cá nhân hướng tới. Tuy nhiên, cống hiến những gì và cống hiến như thế nào thì không phải ai cũng biết. Mọi người thường lầm tưởng rằng cống hiến là phải làm những điều lớn lao, to tát nhưng ít ai biết rằng sự cống hiến đôi khi đến từ những việc làm nhỏ nhất.

  • Cống hiến từ những điều hết sức bình thường

Trong công việc, chắc chắn ai cũng muốn mình là người có thể cống hiến cho công ty, tập thể càng nhiều càng tốt. Đôi khi chúng ta cố gắng thể hiện bản thân bằng những công to việc lớn hay những cuộc chạy đua thành tích, điều đó không sai, thậm chí còn rất tốt nhưng vùi đầu vào công việc không phải là thước đo chính xác cho sự cống hiến của bạn. Đơn giản là bạn chỉ cần hoàn thành thật tốt nhiệm vụ và công việc được giao hàng ngày, một cách nghiêm túc và có trách nhiệm, đó chính là bạn đã cống hiến sức lực của mình cho công ty rồi.

Tất nhiên trong quá trình làm việc lâu dài, sẽ có những đóng góp người ta có thể dễ dàng nhìn thấy và ca ngợi, và sẽ có những cống hiến thầm lặng, nhỏ hơn nhưng không phải không quan trọng, cho nên “Con người sẽ trở nên hạnh phúc nhất và thành công nhất khi cống hiến vì những mục đích nằm ngoài sự ích kỷ của cá nhân” trích câu nói nổi tiếng của Benjamin Spock. Cống hiến tất nhiên là điều tốt, nhưng cũng đừng cố gắng “cống hiến quá nhiều” nếu bạn nhận thấy điều đó vượt quá khả năng của mình hay khiến bạn mệt mỏi, áp lực. Hãy luôn ghi nhớ khái niệm cống hiến là đến từ sự tự nguyện, tự tâm mình muốn đóng góp, có vậy thì việc làm của bạn mới có ý nghĩa, mới có giá trị xứng đáng với những gì bạn bỏ ra.  

  • Điều kiện để được công nhận sự cống hiến là gì?

Sự cống hiến đúng là hoàn toàn có thể xuất phát từ những điều nhỏ nhặt, nhưng không phải vì thế mà bất cứ hành động nào cũng có thể được gom chung thành sự cống hiến. Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản, việc mình làm là việc tốt và như vậy là mình “đã cống hiến đủ” rồi, quan niệm như vậy hoàn toàn sai lầm. Một hành động được công nhận là sự cống hiến cần hội tụ đủ ba điều kiện cơ bản sau:

  • Hành động đó phải có giá trị và ý nghĩa nhất định đối với cộng đồng, tập thể.
  • Hành động đó phải giúp cho tập thể, xã hội phát triển theo chiều hướng tốt hơn.
  • Hành động đó chưa có ai thực hiện tính tới thời điểm người đó làm.

Trên đây chỉ là ba yếu tố cơ bản, ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới việc đánh giá sự cống hiến của bạn như môi trường làm việc hay quy định chung của tập thể. Nhưng chung quy lại, ta có thể rút ra rằng nếu muốn cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội, tập thể thì không chỉ cần có tấm lòng mà còn cần phải biết cách thực hiện sao cho đúng với mục đích và chuẩn mực nữa.

  • Cống hiến không phải là lấy lòng người khác

Nếu như sự cống hiến của bạn chỉ xuất phát từ mục đích lấy lòng cấp trên hay nhằm thăng tiến trong công việc thì đó không còn được gọi là cống hiến nữa. Bởi vì mục tiêu chính của việc cống hiến chính là hướng đến lợi ích chung của cả tập thể chứ không hướng tới riêng một cá nhân nào, cho nên nếu bạn chỉ chăm chăm nỗ lực để làm hài lòng yêu cầu từ cấp trên thì nó không còn giá trị của sự tự nguyện nữa.

Sếp của bạn đúng là người đứng đầu và dẫn dắt tổ chức, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể đo lường được chính xác sự cống hiến của bạn cho công ty. Nếu bạn cố gắng chạy theo những mong muốn của cấp trên, trong khi những điều đó lại nằm ngoài khả năng của bạn thì đó không còn là cống hiến mà chỉ là sự phục tùng, không những khiến bản thân bạn không thoải mái mà đôi khi còn phản tác dụng, ảnh hưởng tới lòng nhiệt huyết trong công việc của bạn.

Người cống hiến nhiều chưa chắc đã thành công nhưng người thành công chắc chắn phải là người luôn muốn cống hiến và biết cách cống hiến đúng nghĩa. Hy vọng với những chia sẻ về định nghĩa cũng như giá trị của sự cống hiến trong bài viết trên, bạn có thể hiểu rõ những khía cạnh khác nhau xoay quanh khái niệm cống hiến là gì, từ đó tạo thêm động lực cho bản thân để có thể trở thành một người có nhiều cống hiến ý nghĩa cho xã hội và cộng đồng trong tương lai.