Để cây trồng lớn nhanh và khỏe thì cần sự tác động của các yếu tố nước, ánh sáng, chất dinh dưỡng. Đặc biệt phân đạm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tăng trưởng và phát triển của cây trồng và rau mùa. Tuy nhiên khi nào cần bón đạm? Cách bón như thế nào? Liều lượng ra sao? Và khi bón phân đạm cần chú ý điều gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết cách bón phân đạm cho rau an toàn và hiệu quảdưới đây nhé!
- Vai trò của phân đạm
Phân đạm là một trong những loại phân bón hóa học chứa nhiều chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng phát triển của các loại rau mùa, phân đạm có chứa Nitơ – một dưỡng chất giúp cấu tạo chất diệp lục trong lá, chất nguyên sinh và protein. Việc bón phân đạm nhằm cung cấp Nitơ cho rau giúp rau tăng trưởng nhanh, ra nhiều lá, lá lớn, ít sâu bệnh hại, hỗ trợ quang hợp mạnh, tăng năng suất. Tuy nhiên việc bón phân đạm không hợp lý (thiếu hoặc thừa) thì sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn, năng suất và chất lượng cây trồng giảm rõ rệt.
- Các loại phân đạm trên thị trường
Phân đạm có nhiều loại, mỗi loại có những đặc tính riêng phù hợp với những loại rau khác nhau. Các loại phân đạm phổ biến ở nước ta bao gồm:
Phân Urê Co(NH4)2: chứa 44% đến 48% nitơ nguyên chất; dễ phân huỷ và bay hơi, dễ phát huy tác dụng; dùng để bón thúc.
Phân Amôn Nitrat (NH4NO3): chứa 33% đến 35% nitơ nguyên chất; tan nhanh trong nước, hút ẩm và vón cục, có tính chua; thường pha thành dung dịch dinh dưỡng hoặc dùng để bón thúc.
Phân Amoni Sunfat (NH4)2SO4: có chứa 20% đến 21% nitơ nguyên chất; hòa tan nhanh trong nước, dễ bảo quản; thường dùng để bón thúc và bón nhiều đợt.
Phân đạm Clorua (NH4Cl): chứa 24% đến 25% nitơ nguyên chất; tan nhanh trong nước, ít hút ẩm, có tính chua; thường kết hợp với các loại phân khác để tăng hiệu quả; không thích hợp dùng cho khoai tây, chè, hành, bắp cải, tỏi,…
Phân Xianamit Canxi: chứa từ 20% đến 21% nitơ nguyên chất; dễ bốc hơi, có nguy cơ gây bỏng da; thường dùng cho đất chua để cải thiện pH; dùng để bón lót, nếu bón thúc thì phân phải được ủ trước đó.
Phân Photphat đạm hay MAP: chứa 16% nitơ, 20% photphat; tan nhanh trong nước, phát huy hiệu quả nhanh; bón lót hoặc bón thúc đều được; thường được dùng cho đất nhiễm mặn.
- Khi nào bón đạm cho rau
Thời gian trong ngày để bón phân đạm hiệu quả là vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Trong giai đoạn sinh trưởng của rau đặc biệt là giai đoạn ra lá, rau cần đạm để phát triển lá. Vòng đời của cây rau cần phân đạm vào ba giai đoạn sau: khi cây ra lá lần đầu, bón một lượng vừa phải để tránh lá bị cháy; khi cây đang trong giai đoạn sinh trưởng, chia ra nhiều đợt bón đạm; đối với loại cây lấy trái, khi cây ra trái bón một lượng ít hơn. Ngoài các giai đoạn trên, trường hợp cây còi cọc, kém phát triển, ta cũng nên sử dụng phân đạm để bón cho cây.
- Cách bón phân đạm cho rau
Có hai cách bón phân đạm được người dân thường dùng là bón phân nguyên hạt và hòa tan với nưới rồi tưới. Tuy nhiên, cách bón phân nguyên hạt thích hợp với những cây ăn trái, thân gỗ hơn, còn với rau mùa người ta thường sử dụng cách bón thứ hai.
Tưới phân đạm hòa tan với nước là dùng phân đạm nguyên hạt pha thật loãng với nước theo tỉ lệ phù hợp rồi tưới lên cây, cách này giúp rau dễ dàng hấp thụ đạm. Không nên dùng liều lượng đạm cao vì đạm đọng và tồn trong lá sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Chú ý tưới bằng nước thường thật kỹ trước khi tưới đạm nhằm hạn chế gốc rễ bị cháy nếu đất khô.
- Những lưu ý khi bón phân đạm cho rau
Không nên thu hoạch rau sau khi tưới đạm từ dưới 20 ngày để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Phân đạm dễ bay hơi nên khi bón cần chú ý đến thời tiết, không bón khi trời sắp mưa hoặc nắng nóng kéo dài để tránh đạm bay hơi gây lãng phí. Cần lựa chọn loại phân đạm và hàm lượng đạm phù hợp cho mỗi loại đất. Tránh dùng đạm quá mức, rau thừa đạm có thể dẫn đến tăng trưởng bất thường và gây tồn đọng trong lá. Cần bón phân đạm thành nhiều đợt, khi tưới cẩn thận rắc đều để tránh tình trạng cây thừa, cây thiếu.
Bài viết trên đây mình đã chia sẻ cho các bạn về cách bón phân đạm cho rau và những lưu ý cần phải biết để bón phân đạm cho rau an toàn và hiệu quả nhất. Hy vọng khi áp dụng những kiến thức trên vào thực tế, vườn rau của bạn sẽ phát triển nhanh và tốt nhất.