Những tác động như biến đổi thời tiết thất thường và tình trạng môi trường đang tạo điều kiện cho sâu bệnh hại sinh sôi, phát triển có phần lấn át các vi sinh vật có ích. Sâu bệnh hại phá hại cây trồng và mùa màng là những khó khăn mà người nông dân phải đối mặt. Vậy bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại thích hợp và mang lại hiệu quả cao.
- Vệ sinh sạch sẽ
Làm sạch khu vực xung quanh nơi trồng để ngăn ngừa sự lây lan của sâu bệnh từ bên ngoài vào. Đất trồng cần cải tạo đảm bảo loại được hết các loài sâu bệnh gây hại, mầm bệnh. Chẳng hạn, nếu phát hiện đất có mầm bệnh thì cần xử lý trực tiếp lên bờ mặt đất như đốt cành cây khô hoặc phơi đất, dùng sức nóng của mặt trời để ủ đất bằng cách phủ lên trên một tấm nilon. Hạt giống và cây con phải qua kiểm duyệt không chứa sâu bệnh. Nếu phát hiện có sâu bệnh lây lan nên loại ngay các cây mang bệnh, có thể mang đi ủ nóng để loại bỏ mầm bệnh hoặc bỏ làm thức ăn cho gia súc. Công cụ, tay nếu đã tiếp xúc với cây mang mầm bệnh thì cần phải làm sạch tránh lây lan sang cây khác. Nước là nhân tố quan trọng dùng để tưới cần phải lấy từ nguồn nước sạch, không nhiễm bệnh.
- Trồng cây luân canh, xen canh
Nên thay đổi luân phiên các giống cây trồng, có thể trồng xen kẽ các loại cây trồng khác nhau trên đồng ruộng sẽ giảm được khả năng sâu bệnh tích lũy. Loại trừ được các loại vi sinh vật gây hại đặc trưng một loại cây, nếu gặp cây trồng khác chúng bị hạn chế tác hại và dần bị tiêu diệt. Ngoài ra, một số cây trồng có thể tăng chất kháng sinh cho đất trồng rất tốt trong việc tiêu diệt vi sinh vật, tuyến trùng.
- Thời vụ gieo trồng thích hợp
Cần nắm rõ chu kỳ phát triển của sâu bệnh và các cơ hội để mầm bệnh lây lan, sau đó gieo trồng đúng thời vụ để giảm sự phá hại từ sâu bệnh. Ngoài ra, còn tạo cơ hội phân bố lao động dễ dàng theo thời gian, sử dụng hợp lý tài nguyên khí tượng thủy văn, tiềm năng đất đai.
- Sử dụng giống trồng kháng bệnh
Lựa chọn giống cây trồng là bước quan trọng, dùng giống kháng sâu bệnh tốt, thích nghi nhanh với môi trường, điều kiện thời tiết. Chẳng hạn, chọn giữ lại những cây khỏe mạnh đã trồng có khả năng kháng sâu bệnh tốt để làm giống.
- Bón phân đầy đủ
Bổ sung phân bón hữu cơ có kết hợp phân bón vô cơ (nếu cần) lượng vừa đủ để đảm bảo nông nghiệp sạch. Góp phần thúc đẩy phát triển, tăng chất lượng, tăng năng suất cây trồng. Nhưng cần lưu ý bón phân đạm đúng lượng nếu thừa đạm sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh xâm nhập.
- Sử dụng bẫy và hàng chắn côn trùng
Trồng cây dẫn dụ, cây chắn quanh khu vực trồng trọt nhằm dụ côn trùng tấn công cây dẫn dụ để hạn chế gây hại đến cây trồng, còn là nơi động vật ăn mồi lựa chọn cư trú giúp ăn sâu hại. Ngoài ra, còn ngăn cản được đường di chuyển của sâu bệnh đến tấn công cây trồng.
- Khuyến khích động vật ăn mồi
Xây dựng trật tự tự nhiên nhằm gia tăng lượng động vật có lợi, có khả năng săn mồi đồng thời tạo môi trường sống đa dạng, cải thiện được tình trạng phá hại của sâu bệnh ít hơn. Mặt khác, một số côn trùng có lợi có thể săn trực tiếp các loại sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
- Các biện pháp chăm sóc trực tiếp cây trồng
Chăm sóc như cắt tỉa cành, bấm ngọn, ngắt lá sâu,… giúp cây trồng phát triển tốt hơn, thúc đẩy sinh trưởng, điều hòa sinh trưởng giúp đem lại hiệu quả, năng suất cao hơn.
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Chỉ sử dụng khi thật sự cần và tuân theo hướng dẫn từng loại, luôn theo nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng.
Trên đây, là các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao giúp ngăn ngừa, tiêu diệt sâu bệnh phá hại cây trồng. Tránh lợi dụng thuốc bảo vệ thực vật vào cây trồng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường và mùa vụ tiếp theo.